Trao đổi với PV VietNamNet, ông Thắng cho hay, năm 2025, phương án tuyển sinh kết hợp của trường gồm một số tiêu chí. Trong đó, tiêu chí học lực bao gồm 3 thành phần là: điểm học tập ở bậc THPT (gồm 6 học kỳ ứng với tổ hợp đăng ký xét tuyển); điểm thi tốt nghiệp THPT (gồm các môn trong tổ hợp xét tuyển); điểm thi đánh giá năng lực. Thành phần học lực của thí sinh được tính dựa vào điểm học tập 3 năm THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi đánh giá năng lực.
Bên cạnh đó, tiêu chí thành tích cá nhân là học sinh đạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đạt giải thi khoa học kỹ thuật, trình độ ngoại ngữ, chứng chỉ tuyển sinh quốc tế, thành viên trong đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, tỉnh/thành phố, và các giải thưởng học thuật khác. Ngoài ra còn có tiêu chí hoạt động xã hội, văn thể mỹ.
Nhà trường chưa có quy định cụ thể về trọng số các tiêu chí, nhưng theo ông Thắng, tinh thần chung là không thay đổi thường xuyên.
Đối với những học sinh lớp 12 có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường trong năm tới, ông Thắng khuyên nên tập trung học để có kết quả học lực và thi tốt nghiệp THPT tốt nhất. Học sinh có thể tham dự kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025 do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức. Ngoài ra, nếu kiến thức ngoại ngữ đã ổn, các em nên thi chứng chỉ Anh văn quốc tế.
Ông Thắng cũng cho biết nhà trường sẽ căn cứ trên quy chế tuyển sinh mới của Bộ GD-ĐT, lựa chọn các dữ liệu phản ánh tốt nhất năng lực học bậc đại học của thí sinh để xem xét cải tiến (nếu cần) phương thức xét tuyển tổ hợp. Vì vậy, thí sinh nên chủ động tìm hiểu kỹ ngành/trường muốn theo học để có lựa chọn sắp xếp nguyện vọng đúng đắn và phù hợp nhất. Các phương thức tuyển sinh khác sẽ được công bố cụ thể khi có quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
Xét tuyển tổng hợp là phương thức tuyển sinh chủ đạo của Trường ĐH Bách khoa TPHCM vài năm gần đây. Theo phương thức này, thí sinh được đánh giá kết hợp, gồm 3 thành tố và trọng số tương ứng được dùng để xét tuyển. Trong đó, thành tố học lực chiếm 90%, thành tích cá nhân chiếm 5% và hoạt động xã hội, văn thể mỹ chiếm 5%.
Năm 2025, học sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới với 4 môn. Trong đó, 2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.